apple stories
Từ cảm hứng tại địa phương đến tác động trên toàn cầu: Gặp gỡ bốn người chiến thắng Thử Thách Swift Dành Cho Học Sinh - Sinh Viên năm nay
Hàng năm, Thử Thách Swift Dành Cho Học Sinh - Sinh Viên tạo điều kiện cho học sinh - sinh viên từ khắp nơi trên thế giới tìm hiểu những kiến thức mới mẻ và khám phá khả năng sáng tạo của bản thân thông qua các playground ứng dụng gốc được xây dựng bằng ngôn ngữ lập trình Swift trực quan, dễ học của Apple. Nguồn cảm hứng đằng sau 350 bài dự thi đoạt giải năm nay trải rộng khắp toàn cầu, từ bầu trời đầy sao qua ống kính viễn vọng ở Nuevo León, Mexico, đến một bộ bài được phát hiện ra trong cửa hàng trò chơi ở Nhật Bản. Các bài dự thi này đại diện cho 38 quốc gia và khu vực, và kết hợp nhiều công cụ cũng như công nghệ khác nhau.
“Chúng tôi luôn được truyền cảm hứng từ tài năng cũng như góc nhìn mà các nhà phát triển trẻ mang đến Thử Thách Swift Dành Cho Học Sinh - Sinh Viên,” Susan Prescott, Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ Nhà phát triển toàn cầu của Apple, chia sẻ. “Những người chiến thắng năm nay đã thể hiện được kỹ năng đặc biệt trong việc biến những ý tưởng có ý nghĩa thành các playground ứng dụng sáng tạo, có tác động tích cực và được thiết kế tỉ mỉ. Ngoài ra, chúng tôi rất vui khi được hỗ trợ họ trong hành trình tiếp tục tạo ra các ứng dụng giúp định hình tương lai.”
50 Người Chiến Thắng Tiêu Biểu đã được mời tham dự Hội Nghị Các Nhà Phát Triển Toàn Cầu (WWDC) tại Apple Park. Tại đó, họ sẽ tham gia vào trải nghiệm ba ngày được tuyển chọn đặc biệt. Trong tuần đó, những người chiến thắng sẽ có cơ hội xem bài thuyết trình Keynote trực tiếp vào ngày 9 tháng 6, học hỏi từ các chuyên gia cũng như kỹ sư của Apple và tham gia vào các phòng thực nghiệm.
Nhiều người chiến thắng năm nay đã lấy cảm hứng từ cộng đồng địa phương, từ đó thiết kế nên các công cụ mạnh mẽ để tạo ra tác động trên quy mô toàn cầu. Bên dưới, những Người Chiến Thắng Tiêu Biểu Taiki Hamamoto, Marina Lee, Luciana Ortiz Nolasco và Nahom Worku sẽ chia sẻ về các sân chơi ứng dụng của họ và những vấn đề thực tế mà họ đang hướng tới giải quyết, thể hiện sức mạnh của việc lập trình trong việc thúc đẩy sự thay đổi bền vững.
Lúc 22 tuổi, khi Taiki Hamamoto tình cờ nhìn thấy một bộ bài Hanafuda tại cửa hàng trò chơi địa phương, anh đã rất thích thú. Từ thuở nhỏ, anh đã cùng với các thành viên trong gia đình mình chơi trò chơi bài truyền thống của Nhật Bản và anh nghĩ rằng mình sẽ dễ dàng rủ bạn bè chơi một hoặc hai ván bài đậm chất hoài niệm này – nhưng thực tế lại không như vậy.
“Tôi thấy rằng rất ít người đồng trang lứa với tôi biết cách chơi Hanafuda, mặc dù trò chơi này là một phần thiết yếu trong văn hóa Nhật Bản,” Hamamoto, sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Kumamoto, cho biết. “Tôi nghĩ nếu có cách nào đó giúp mọi người dễ dàng chơi trò chơi này trên điện thoại thông minh, thì Hanafuda có thể được lan tỏa mạnh mẽ không chỉ ở Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới.”
Thông qua Hanafuda Tactics – playground ứng dụng giành chiến thắng của anh ấy, những người mới bắt đầu chơi có thể tự làm quen với các quy tắc của trò chơi cũng như các lá bài. Bộ bài 48 lá đầy màu sắc và được trang trí công phu, lấy cảm hứng từ lòng tôn kính đối với thiên nhiên của Nhật Bản, được chia thành 12 chất – mỗi chất đại diện cho một tháng trong năm và được minh họa bằng một loại cây theo mùa. Có nhiều cách chơi, nhưng một trong những biến thể phổ biến nhất là Koi-Koi, trong đó người chơi sẽ cố gắng tạo ra sự kết hợp thẻ bài đặc biệt được gọi là yaku.
Trong khi Hamamoto vẫn trung thành với biểu tượng hoa cổ điển của trò chơi, anh cũng đã mang đến một nét hiện đại cho trải nghiệm chơi game bằng việc kết hợp các ý tưởng từ trò chơi điện tử như chỉ số sinh lực để phù hợp với thế hệ trẻ. DragGesture của SwiftUI đã giúp anh ấy triển khai các hiệu ứng động, phản hồi nhanh như nghiêng bài và phát sáng trong khi di chuyển, khiến trò chơi trở nên tự nhiên và hấp dẫn hơn. Anh ấy cũng đang thử nghiệm để đưa Hanafuda Tactics lên Apple Vision Pro.
Việc một trò chơi với lịch sử hàng trăm năm có thể biến mất là điều không thể tưởng tượng được đối với Hamamoto khi anh đã tận hưởng được rất nhiều niềm vui từ nó. “Hanafuda độc đáo ở chỗ trò chơi này giúp bạn được trải nghiệm phong cảnh và văn hóa Nhật Bản,” anh chia sẻ. “Tôi muốn người dùng ứng dụng của mình có cảm giác đắm chìm trong trò chơi và tôi muốn bảo tồn nó cho các thế hệ mai sau.”
Khi cháy rừng nhanh chóng lan rộng khắp Los Angeles vào đầu năm nay, Marina Lee, 21 tuổi, đã nhận được một tin xấu qua điện thoại. Bà của cô – đang sống ở Thung Lũng San Gabriel – đã nhận được cảnh báo sơ tán và không có nhiều thời gian để quyết định phải làm gì hoặc đi đâu.
“Do lớn lên ở L.A., nên tôi luôn nhận thức được rủi ro từ việc cháy rừng và tác động thực tế đi kèm với thiên tai,” Lee, sinh viên năm ba ngành khoa học máy tính tại Đại học Nam California, đang trong kỳ nghỉ đông với bố mẹ ở Bắc California vào thời điểm đó, chia sẻ. “Nhưng cuộc gọi này đã khiến tôi nhận thấy được sự cấp bách. Bà tôi vô cùng hoảng hốt, không biết phải thu xếp những gì, cũng không biết làm thế nào để chuẩn bị sẵn sàng và cập nhật thông tin kịp thời. Điều đó đã truyền cảm hứng cho tôi tạo ra một ứng dụng dành cho những người như bà, những người có thể không rành về công nghệ nhưng cần có một nguồn tài nguyên đáng tin cậy và dễ tiếp cận trong thời điểm xảy ra khủng hoảng.”
Thông qua playground ứng dụng EvacuMate, người dùng có thể chuẩn bị danh sách kiểm tra khẩn cấp về các vật dụng quan trọng cần mang theo khi sơ tán. Lee đã tích hợp tính năng cuộn camera của iPhone vào ứng dụng để người dùng có thể tải lên bản sao của các tài liệu quan trọng, đồng thời bổ sung thêm khả năng nhập danh bạ khẩn cấp thông qua danh sách liên hệ trên iPhone. Cô cũng đã đưa tài nguyên về các chủ đề như kiểm tra mức chất lượng không khí và lắp ráp bộ dụng cụ sơ cứu vào ứng dụng.
Khi Lee tiếp tục tinh chỉnh EvacuMate, cô tập trung vào việc đảm bảo rằng tất cả những ai muốn sử dụng đều có thể truy cập vào ứng dụng. “Tôi muốn hỗ trợ thêm các ngôn ngữ khác nhau,” Lee giải thích. “Nghĩ đến việc bà tôi không thoải mái khi đọc tiếng Anh, tôi nhận ra rằng tính năng dịch thuật thực sự có thể hỗ trợ cho những người khác trong cộng đồng đang gặp phải thách thức tương tự.”
Đến với WWDC năm nay, Lee mong muốn tạo dựng mối quan hệ mới với các nhà phát triển khác, giống như những mối quan hệ mà cô đã tạo ra khi tổ chức sự kiện hackathon cùng Citro Tech hoặc làm cố vấn cho chương trình Nữ kỹ sư của USC. “Lập trình không chỉ đơn thuần là phát triển phần mềm,” cô chia sẻ. “Thực sự thì lập trình còn là tình bạn mà bạn xây dựng, cộng đồng mà bạn tìm thấy và hành trình giải quyết vấn đề giúp bạn tạo nên sự khác biệt.”
Luciana Ortiz Nolasco đã rất vui khi được tặng một chiếc kính viễn vọng vào sinh nhật lần thứ 11 của mình. Mỗi đêm, cô đều dùng kính nhìn qua cửa sổ phòng ngủ để khám phá bầu trời ở quê hương Nuevo León, Mexico.
Nhưng cô nhanh chóng gặp phải hai vấn đề: thứ nhất, lớp sương mù dày đặc bao phủ thành phố phát triển mạnh về công nghiệp, che khuất các vì sao cũng như vầng sáng rực rỡ của các vì sao đó, và thứ hai là thiếu những người có cùng đam mê để cùng nhau chia sẻ.
“Tôi không tìm thấy một cộng đồng nào cho đến khi tôi tham gia Hiệp hội Thiên văn học Nuevo León," Ortiz Nolasco, hiện đã 15 tuổi, chia sẻ. Vào cuối tuần, thông qua các mối quan hệ đã tạo dựng được tại hiệp hội, cô đi đến vùng nông thôn để có thể ngắm các vì sao rõ hơn, tham gia hội trại và học hỏi từ những người cố vấn có chung niềm đam mê với mình. Những trải nghiệm này đã khơi dậy trong cô quyết tâm giúp mọi người dễ tiếp cận với thiên văn học hơn.
Playground ứng dụng BreakDownCosmic của cô là một nơi tụ họp trực tuyến, tại đó người dùng có thể thêm các sự kiện thiên văn sắp tới trên khắp thế giới vào lịch, nhận huy chương khi hoàn thành “nhiệm vụ” và trò chuyện với các nhà thiên văn học khác về những gì họ nhìn thấy.
Ortiz Nolasco đã tìm thấy công cụ lý tưởng để hiện thực hóa ý tưởng của mình bằng ngôn ngữ lập trình Swift. “Swift rất dễ học và Xcode cũng rất dễ sử dụng,” cô giải thích. “Trong hầu hết mọi trường hợp, Swift sẽ sửa lỗi cho tôi nếu tôi gặp lỗi. Tôi không phải mất hàng giờ để tìm kiếm một lỗi nhỏ mà tôi đã không nhận thấy”.
Sau khi tham dự WWDC vào tháng 6, cô dự định tiếp tục phát triển BreakDownCosmic, với mục tiêu cuối cùng là ra mắt ứng dụng này trên App Store. "Tôi muốn mang đến cho mọi người cảm giác như đang du hành trong vũ trụ khi họ sử dụng ứng dụng của tôi," cô chia sẻ. “Vũ trụ chứa đựng vô vàn điều bí ẩn mà chúng ta vẫn chưa khám phá hết, cùng những khả năng vô hạn. Hành trình này không chỉ dành riêng cho một số người nhất định. Vũ trụ là nơi chúng ta thuộc về. Đây là nhà của chúng ta và mọi người đều có thể tìm hiểu về nơi này.”
Nahom Worku lớn lên ở Ethiopia, sau đó chuyển đến Canada, anh phân vân khi phải chọn giữa hai hướng nghề nghiệp: tiếp bước chú mình trở thành phi công hoặc theo ngành kỹ sư như cha mình. Cuối cùng, chứng sợ máy bay đã khiến anh từ bỏ nghề phi công, nhưng anh vẫn không quyết định được mình nên tập trung vào lĩnh vực kỹ thuật nào, cho đến khi đại dịch COVID-19 ập đến.
“Trong thời kỳ đại dịch, tôi có nhiều thời gian rảnh rỗi, vậy nên tôi đã mua một vài cuốn sách và tìm hiểu về thiết kế web cũng như lập trình,” Worku, 21 tuổi, chia sẻ. Anh đã tìm thấy một cộng đồng tại Black Kids Code – tổ chức phi lợi nhuận giúp trẻ em học toán và lập trình, và cuối cùng anh đã trở thành cố vấn của tổ chức này.
Trong khi hỗ trợ một chương trình hè tại Đại học York ở Toronto, nơi anh hiện đang học năm tư, Worku và nhóm của anh được giao nhiệm vụ thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc với trọng tâm là đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục chất lượng trên toàn cầu. Đối với Worku, dự án này đã khiến anh mở mang tầm mắt, vì dự án này liên quan đến những năm tháng tuổi thơ của anh. “Khi lớn lên ở Ethiopia, tôi đã tận mắt chứng kiến rất nhiều học sinh thiếu cơ hội giáo dục chất lượng,” anh giải thích. “Ngoài ra, nhiều người không được truy cập Internet hoặc gặp sự cố với kết nối không ổn định.”
Playground ứng dụng AccessEd của anh được thiết kế để giải quyết cả hai vấn đề này, cung cấp các tài nguyên học tập có thể truy cập khi có hoặc không có kết nối Wi-Fi. Được xây dựng bằng công nghệ học máy và các công cụ AI của Apple, như Core ML và bộ khung (framework) Ngôn ngữ Tự nhiên, ứng dụng này đề xuất các khóa học dựa trên điều kiện của học sinh, từ đó mang lại trải nghiệm thực sự được cá nhân hóa.
“Học sinh có thể chụp ảnh ghi chú và sau đó mô hình học máy sẽ phân tích văn bản bằng bộ khung Ngôn ngữ Tự nhiên của Apple để tạo thẻ thông tin,” Worku cho biết. “Ứng dụng này cũng có hệ thống quản lý bài tập bằng thông báo, vì nhiều học sinh được giao nhiều bài tập về nhà và phải phụ giúp gia đình sau giờ học, do đó các em thường gặp khó khăn trong việc quản lý thời gian.”
Worku hy vọng rằng AccessEd có thể mở ra những cơ hội mới cho học sinh trên toàn thế giới. “Tôi hy vọng ứng dụng của mình sẽ truyền cảm hứng cho mọi người khám phá các công nghệ hiện đại như công nghệ học máy được sử dụng theo những cách sáng tạo như thế nào, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, và các công nghệ đó có thể giúp hoạt động học tập trở nên hấp dẫn, hiệu quả và thú vị hơn ra sao,” anh chia sẻ.
Apple vinh dự được tôn vinh thế hệ nhà phát triển, nhà sáng tạo và nhà khởi nghiệp tiếp nối thông qua chương trình Thử Thách Swift Dành Cho Học Sinh - Sinh Viên hàng năm. Trong năm thập kỷ qua, hàng nghìn người tham gia chương trình từ khắp nơi trên thế giới đã xây dựng sự nghiệp thành công, thành lập doanh nghiệp và thành lập những tổ chức tập trung vào dân chủ hóa công nghệ và dùng công nghệ để kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn. Tìm hiểu thêm tại developer.apple.com/swift-student-challenge.
Chia sẻ bài viết
Media
-
Văn bản của bài viết này
-
Hình ảnh trong bài viết này